Tuesday, August 6, 2013

Tại sao phải mặc quân phục khi VNCH và Quân Đội VNCH không còn?

Dường như ngày 30-4 nào trong 38 năm qua, ngày mà một số người gọi là Ngày Quốc Hận thường là cơ hội cho hai lớp người đặc biệt: Các chính trị gia, các nhà hoạt động thích “spotlight” đọc diễn văn hô hào và những cựu quân nhân nào thích mặc quân phục quân đội VNCH có dịp mặc những bộ quân phục đặt may cho vừa kích thước thân thể của người lính già nay đầu tóc đã bạc phơ, thân hình đẫy đà hơn gấp hai, có khi gấp ba thời trai trẻ, đứng nhìn xuống chỉ thấy bụng. Cho nên dù có cắt may khéo léo cách nào đi nữa, bộ quân phục cũng không thể nào làm người mặc nó hùng dũng đầy sức sống như thời còn trai trẻ, bụng phẳng lỳ, tóc cắt ngắn ba phân, da dẻ sạm nắng lồng vào trong bộ quân phục tác chiến đã bạc mầu, dù có giặt ủi hồ thế nào đi chăng nữa nó vẫn không thể làm mất mùi khen khét của thuốc súng mang về từ chiến trận. Thời chưa bị gọi động viên, nghĩa là chưa vào lò luyện thép ở đồi Tăng Nhơn Phú, tôi cũng đã có 4 bộ quân phục tác chiến bộ binh, giầy bốt, nón sắt và áo giáp, ba lô. Lý do: Tôi là phóng viên mặt trận cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, tất cả quân trang do Quân Nhu cấp, nhưng chỉ được mặc khi ra mặt trận và chuyện này cũng có luật lệ của nó. Nội qui của Bộ Quốc Phòng cấm các phóng viên mặt trận không phải là quân nhân mặc quân phục ở những nơi “không phải là mặt trận”. Trên nón sắt phải sơn một bảng nền trắng chữ đen “Báo Chí-Press”, phía trên sát nắp túi phải có bảng tên và tên cơ quan mà mình phục vụ, đeo trên cổ thường có hai thẻ: một do Nha Báo Chí Bộ Thông Tin VNCH cấp và một thẻ khác do Phải Bộ MACV cấp để phòng khi xin chỗ ngồi trên máy bay hay trực thăng của quân đội Mỹ hoặc khi phải đi tường thuật hành quân của lực lượng Mỹ.
Rất hiếm khi một đơn vị trưởng lại tiếp một phóng viên đi theo đơn vị mình mà lại mặc thường phục. Lý do: Người phóng viên mặc quần jean, áo thun dễ trở thành cái đích của địch quân và khi đụng trận, một vài quân nhân hốt hoảng có thể bắn lầm nếu mình mặc thường phục. Ngoài ra, quân phục tác chiến thuận tiện để người phóng viên hành nghề trên chiến trường. Thời chiến, chỉ là phóng viên dân sự thôi cũng đã phải mặc quân phục và mặc phải đúng cách nếu phải tường thuật ở mặt trận. Khi đã có luật lệ thì tất có sự phiền hà nếu mình làm sai luật. Tôi đã bị một đơn vị trưởng VNCH từ chối cho lên trực thăng đổ quân khi có một lần tôi mặc áo trận nhưng lại mặc quần jean như một số phóng viên Mỹ đi tường thuật hành quân ở phía lực lượng Mỹ.
Từ kinh nghiệm làm phóng viên mặt trận, khi phải thi hành lệnh động viên vào học khóa 5/69 ở trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi không bỡ ngỡ lắm đối với giờ học quân phong quân kỷ cũng như các giờ học khác về vũ khí đạn dược và chiến thuật. Vào thời chiến, tại miền Nam Việt Nam có biết bao nhiêu lớp thanh niên đã phải qua các khóa đào tạo tại ngôi trường này cũng như mãi về sau này do nhu cầu chiến trường cần nhiều sĩ quan trung đội trưởng nên trường Đồng Đế cũng phải mở thêm cửa để đón nhận lớp thanh niên trí thức “xếp bút nghiên tạm theo việc đao cung”. Ra trường đa số những tân sĩ quan trẻ tuổi này được bổ sung cho các đơn vị tác chiến. Bộ quan phục tác chiến bắt đầu thấm mồ hôi và trong nhiều trường hợp thấm máu mình trên chiến trường. Cho nên, một trong những tư trang giá trị nhất mà một người lính mang trên người trong suốt thời chinh chiến là bộ quân phục, một trong những vật bất ly thân do quân đội cấp phát chứ không phải mua được ở chợ, và không phải ai cũng có thể mặc được bộ quân phục đó trên người nếu họ không đổ mổ hồi trên các quân trường trước khi ra đơn vị. Cho nên bộ quân phục là một kỷ niệm tinh thần đối với một người lính. Tinh thần đó là gì ? Tiếng Anh có một chữ rất thích hợp để diễn tả, đó là động từ “earn”, nghĩa là “đạt được” bằng mồ hôi, nước mắt và trí óc, rồi sau này khi ra trường, bộ quân phục ấy thấm thêm máu mình và đồng đội.
Tuy nhiên huấn lệnh cũng như quân luật của quân lực VNCH lấy từ nền tảng tổ chức theo cách của quân đội Hoa Kỳ cũng như quân đội của những đất nước tự do, cho nên cũng rất nghiêm khắc đối với việc mặc quân phục, nhất là những trường hợp cấm mặc quân phục chỉ với mục đích để “giữ thanh danh và kỷ luật cho quân đội”. Dù đã 38 năm qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, tôi vẫn còn nhớ rất rõ huấn lệnh nghiêm cấm các quân nhân không được mặc quân phục trong những trường hợp sau đây:
-Tại những nơi tập họp thương mại hay chính trị trừ những trường hợp được cho phép.
-Khi làm việc ở những cơ sở tư nhân trừ trường hợp được biệt phái sang làm việc ở những cơ quan chính phủ.
-Xuất hiện để đọc diễn văn chính trị hay là khách mời của một tổ chức chính trị hay vận động, hoặc được phỏng vấn, chụp hình trên báo, quay phim đều phải được phép của cơ quan có thẩm quyền của quân đội.
-Khi tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ hay chống chính phủ hoặc quân đội.
-Một quân nhân bị tước đoạt binh quyền vì vi phạm thanh danh quân đội không được quyền mặc quân phục.
Nói tóm lại, quân đội được thành lập để bảo vệ quốc gia, tất cả những thứ học mặc trên người hay vũ khí đạn được và các phương tiên chiến tranh, lương bổng và phụ cấp gia đình của người quân nhân đều từ tiền thuế của dân chúng đóng góp nên quân đội phải đứng ở vị trí trung lập với chính trị, thương mại. Các huấn lệnh và quân luật được viết ra là dựa trên mục tiêu “giữ ký luật và thanh danh quân đội”. Trong thời chiến, có khá nhiều thanh niên trốn quân dịch bằng cách mặc giả quân nhân. Nếu những người này không bị quân cảnh xét hỏi thì dĩ nhiên không sao, nhưng nếu họ bị xét hỏi và bị bắt giữ thì không phải bị phạt vì tội sợ chết trốn lính mà vì mặc giả quân nhân với ý định xấu hay hù dọa làm mất thanh danh quân đội.
Trước 30-4-1975, khi VNCH còn và quân đội VNCH còn, ngoại trừ những nghệ sĩ trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương hay địa phương, những nghệ sĩ lên trình diễn trên các sân khấu không được mặc quân phục nếu không xin phép và khi mặc quân phục phải cho đúng cách. Vào thời chiến, nhiều khán giả rất bực mình khi nhìn thấy một số nghệ sĩ lên sân khấu mặc quân phục nhưng lại “rất không đúng cách”. Điều không đúng cách nhất của những nghệ sĩ này là tóc không cắt ngắn ba phân hay cho dù được châm chước đi nữa thì cũng phải cắt cao lên. Cứ tưởng tượng như một nghệ sĩ tóc dài xuống gáy mà chụp cái mũ lưỡi trai lên đầu, quân phục thì bảng tên đeo bên trái, huy chương đeo bên mặt thì còn ra cái thể thống gì nữa đối với bộ quân phục? Một cách giản dị và dễ hiểu nhất là khi đã mặc bộ quân phục vào người thì người đó phải xứng đáng để mặc nó.
Sự thua trận ngày 30-4-1975 đã làm thay đổi tất cả và đối với những người mặc áo lính, đó là một vết chém không bao giờ quên được. Bộ quân phục vì thế trở thành một kỷ niệm thiêng liêng hơn. Do nó là thiêng liêng nên không thể bừa bãi, nhất là trong tình trạng đất nước không còn, quân đội thì đã tan hàng từ 38 năm nay. Huấn lệnh và luật lệ về quân phục dù có mang được phó bản sang đây cũng không còn giá trị gì nữa, nhất là nhiều cựu quân nhân VNCH hiện nay sống ở Mỹ và hầu hết đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Cho nên quá khứ kiêu hùng của quân đội VNCH không may vẫn chỉ là kỷ niệm, là quá khứ. Rất hữu lý nếu như các cựu sĩ quan VNCH mặc quân phục đến để chào kính một cấp chỉ huy cũ hay bạn đồng đội của của mình khi họ qua đời, hoặc là một buổi lễ được cử hành tại tượng đài mang tính chất quốc gia, nhưng cũng phải rất giới hạn số người được mặc. Còn lại, tất cả các trường hợp khác đều không nên, ngay cả trong những cuộc họp mặt của các hội đoàn cựu quân nhân để tránh sự hiểu lầm của đồng hương cũng như của những người Mỹ khác là chúng ta khoe khoang.
Nhưng đáng buồn thay là việc mặc quân phục ngày càng thịnh hành ở Little Saigon này và ở nhiều cộng đồng Việt Nam khác trên đất Mỹ, thậm chí còn mặc quân phục để biểu dương trong các cuộc biểu tình chính trị hay các cuộc biểu tình phản đối, lại còn “thắng” lên người những bộ quân phục mầu ngụy trang vốn là quân phục dành cho những lực lượng tổng trừ bị hàng hầu của quân lực VNCH. Chúng ta thường thấy trong rất nhiều buổi họp báo để phản đối lập trường chính trị của người này, quan điểm của người kia cũng có một vài cựu quân nhân mặc quân phục. Tôi đã từng nghe nhiều người buột miệng: “Làm cái đếch gì mà đi phản đối người ta về làm ăn buôn bán ở Việt Nam mà cũng mặc quân phục. Để hù ai?”. Cá nhân, tôi thấy những người này nói không sai. Giả sử như VNCH còn, quân đội VNCH còn, câu than phiền của những đồng hương cũng vẫn rất đúng, chiếu theo huấn lệnh của quân đội qui định về việc mặc quân phục, huống chi mọi chuyện nay đã thay đổi. Tôi vẫn thường tự hỏi, trong số những người mặc quân phục VNCH mà tôi thường thấy trong các buổi họp mặt, hay lễ lạc liệu có ông nào bỏ lính bỏ dân để lo cho an toàn riêng của mình giữa lúc đất nước nghiêng ngửa không? Nếu có tức là họ đã vi phạm vào lệnh gìn giữ thanh danh cho quân đội và bộ quân luật. Và nếu có thì liệu họ có thể mặc bộ quân phục trên người nữa không?
Có nhiều cựu quân nhân và bạn bè nói với tôi rằng, lúc mới sang thì do còn xúc động nên chỉ có vài người mặc quân phục, nhưng sau dần bắt chước nhau đi mua sắm không những quân phục mà còn cả cấp hiệu, mũ, giầy bốt, huy chương, giây biểu chương. Chỉ cần đặt câu hỏi “Ai kiểm soát được việc mặc quân phục, ai bảo đảm rằng người mặc quân phục VNCH không làm những hành động mất thanh danh quân đội chẳng hạn như mặc quân phục đi biểu tình, đi họp mặt chống Cộng nhưng trong túi đã có vé máy bay về Việt Nam để thụ hưởng hay làm ăn buôn bán với chính phủ của người thắng trận, ai bảo đảm trước kia một ông nào đó trốn lính, lính ma, lính kiểng nay lại thắng lên mình bộ quân phục ngụy trang của những đơn vị hàng đầu trong quân lực VNCH?”.
Do đó, theo tôi, mặc quân phục VNCH tại quê hương thứ hai phức tạp hơn ở VNCH trước 30-4-1975 rất nhiều, trong khi không một người cựu quân nhân nào quên được bộ trang phục tác chiến mà họ mặc trong nhiều năm trước khi không còn được mặc. Vì vậy người cựu quân nhân VNCH ở Mỹ không còn nhiều lý do để mặc quân phục và tốt nhất là không nên mặc quân phục nếu tự thấy mình không còn xứng đáng với nó hoặc chỉ nên mặc nó trong trường hợp thần cần thiết như tôi đã trình bày ở trên. Chắc các cựu quân nhân VNCH hiện đang sinh sống tại Mỹ cũng đã thấy cách ăn mặc của những cựu quân nhân Mỹ. Họ chỉ cần mặc Âu phục có thắt và vạt, trên vạt áo khoác ngoài gắn một “pin” nhỏ mầu quốc kỳ và ngay phía dưới quốc kỳ là một huy chương cao quí nhất mà mình được ân thưởng trong thời gian phục vụ trong quân ngũ. Nhiều cựu quân nhân còn đeo một giải băng trắng qua vai, trên giải băng có phù hiệu của các đơn vị mà mình từng phục vụ hoặc các đơn vị bạn mà mình từng hợp đồng tác chiến. Một chiếc nón ca-nô xanh chung cho các cựu quân nhân Mỹ. Như thế vừa tiện lợi, vừa hòa đồng với các bạn chiến đấu ở những đơn vị khác.
Đến Bức Tường Đá Đen ở thủ đô Washington, chúng ta có thể thấy ngay những cựu quân nhân Mỹ đến viếng đồng đội tử trận trong chiến tranh Việt Nam vẫn chỉ mặc theo kiểu của “Vietnam Veteran”. Có cựu chiến minh Mỹ chỉ mặc một chiếc áo trận cũ mà ngày xưa họ mặc khi tác chiến trên chiến trường Việt Nam có thêu hàng chữ “Vietnam Veteran”, có người chỉ đội chiếc nón của đơn vị mình trước đây, vừa kín đáo, vừa tỏ ra trang trọng mà rất khiêm tốn.
Người Mỹ vẫn còn quốc gia, vẫn còn quân đội mà họ còn xử sự như thế thì tại sao những cựu quân nhân VNCH lại không hành động giống họ? Tại sao lại cứ phải làm những hành động như còn quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong khi thực tế trước mắt là 38 năm trước, chúng ta, tất cả những người mặc áo lính đã không bảo vệ được đất nước, đã không làm tròn tín niệm Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Muốn cho thế hệ thứ hai trong đó có con cháu chúng ta biết chúng ta đã chiến đấu như thế nào trong thời chiến thì có nhiều phương cách lắm, trong đó phương cách tốt nhất là sống như một mẫu mực cho con, cho cháu trong gia đình và ngoài xã hội chứ không nhất thiết phải bằng bộ quân phục tự mua sắm.
Tôi nghĩ trong tình hình đất VNCH không còn, quân đội VNCH tan hàng từ 38 năm trước mà mặc quân phục để biểu dương ở những nơi không cần biểu dương sẽ chỉ làm rõ sự thất bại ê chề của chúng ta mà thôi. Càng nhiều người mặc quân phục, và bộ quân phục càng oai phong bao nhiêu thì càng khiến cho đồng hương so sánh họ với thực tế phũ phàng của ngày 30-4 ở thời điểm 38 năm trước. Bộ quân phục được mặc và xuất hiện bừa bãi ở những nơi trước kia huấn lệnh của quân đội VNCH cấm rõ ràng không thể sửa chữa lại được những lỗi lầm đã trở thành Quốc Hận 30-4 của chúng ta.
Vũ Ánh

4 comments:

  1. Little Saigon ngày 21 tháng 7 năm 2013


    Kính thưa Quý Đồng Hương,


    Tiếp nối Bản Lên Tiếng của Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản Và Tay Sai, và Thư Phản Kháng của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Miền Nam California phản đối nhà báo Việt gian Vũ Ánh, tập đoàn báo Người Việt, báo Sống, và đài SBTN, thì nay Tập Thể Cựu Chiến Sĩ VNCH/Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ cũng mạnh mẽ đưa ra Bản Lên Tiếng. Tôi xin được vinh dự đính kèm theo dưới đây để quý vị kính tường.


    Làn sóng phẫn nộ về sự xuẩn động và phản bội của nhà báo Việt gian Vũ Ánh đang dâng cao độ trong tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, đặc biệt tại miền Nam California, và các cơ quan truyền thông như tập đoàn báo Người Việt, báo Sống và đài SBTN cũng cũng đang bị cộng đồng phản đối và đặt vấn đề vì đã và đang đồng lõa, dung dưỡng, hợp tác, bao che cho tên nhà báo Việt gian Vũ Ánh đánh phá cộng đồng và thi hành Nghị quyết 36 của cộng sản.


    Đọc bản tóm lược và điển hình về "16 tội" của nhà báo Việt gian Vũ Ánh được các tổ chức đấu tranh nêu ra, mọi người đều phẫn nộ và tức giận đối với tên vô liêm sĩ Vũ Ánh này. Với chứng cớ rành rành không thể chối cãi được, Vũ Ánh và những cơ quan truyền thông liên hệ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cộng đồng và lịch sử.


    Nhân dịp này, tôi xin phân tích tượng trưng vài điểm liên quan đến những cáo buộc hàm hồ, phi lý, xấc xược, hồ đồ, không căn bản của Vũ Ánh trong các bài viết của y.


    Trong bài "Tại sao Tướng Lê Quang Lưỡng dặn: 'Tôi chết đừng phủ cờ vàng?' " trên báo Người Việt ngày 19 tháng 4 năm 2013, Vũ Ánh đã trích bài thơ "Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ" để mạt sát những người chiến sĩ VNCH phủ cờ Vàng Ba Sọc Đỏ khi qua đời, với lời lẽ như sau: "Nó là một thông điệp dứt khoát kêu gọi những người có trách nhiệm về việc mất miền Nam Việt Nam hãy can đảm nhận trách nhiệm của mình, chấm dứt những nỗ lực tìm người lãnh đạo cuối cùng phải đầu hàng để trút trách nhiệm cho họ, chấm dứt việc đòi lại danh dự cho nhà lãnh đạo này hay lãnh đạo khác mà biến cố cách đây 38 năm đã biến họ thành đào ngũ, đào nhiệm trước địch quân, chấm dứt việc đem lá quốc kỳ đã thấm máu quân, dân, cán, chính VNCH để đem phủ cho những người không đáng được hưởng vinh dự đó, hãy xét lại cho thật kỹ việc tự thêu khăn quàng, tự mang cà-vạt, đội mũ, mặc áo, tự sơn xe riêng của mình mầu Cờ Vàng ba sọc đỏ và nên tự hỏi: liệu mình có xứng đáng mang lá cờ này không, có đủ nhân cách, tư cách, có đủ sự trung thành với là cờ đó không hay việc ôm lấy lá quốc kỳ chỉ để che giấu những hoạt động chính trị thiếu chính trực của mình?"


    ReplyDelete

  2. Tôi tôn trọng ý muốn của Tướng Lê Quang Lưỡng và của bất cứ ai không muốn phủ cờ Vàng Ba Sọc Đỏ khi mãn phần, tuy nhiên tôi cực lực lên án trò lưu manh và xấc láo của Vũ Ánh khi lợi dụng tên tuổi của Tướng Lê Quang Lưỡng là một vị tướng binh chủng "Nhảy Dù" để lấy cớ mạt sát những quân nhân các cấp của Quân Lực VNCH đã dược phủ cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, từ anh Binh Nhì đến vị Tổng Thống. Tôi muốn hỏi Vũ Ánh là Trung Tướng Dư Quốc Đống, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù khi qua đời đã được phủ lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vào tháng 5 năm 2008, như vậy nếu đem so sánh giữa ý muốn hai vị tướng cùng binh chủng "Nhảy Dù" này thì ai đúng ai sai? Vì tôi luôn chủ trương "nói có sách mách chứng," nên tôi có đính kèm theo dưới bài viết một số hình ảnh lễ phủ cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trong tang lễ của Trung Tướng Dư Quốc Đống để chứng minh rằng Vũ Ánh là một tên lố bịch, trơ trẻn, ngông cuồng và dị hợm. Nếu Vũ Ánh nói điều này tại tang lễ của Trung Tướng Dư Quốc Đống thì chắc chắn Vũ Ánh đã bị các chiến sĩ Nhảy Dù cho ăn mấy bạt tai rồi.


    Tromh một bài viết khác, "Tại sao phải mặc quân phục khi VNCH và Quân Đội VNCH không còn?" trên báo Sống ngày 14 tháng 5 năm 2013, Vũ Ánh đã nhục mạ, bỉ thử, nhạo báng tồi tệ những cựu quân nhân mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa, Vũ ánh viết như sau: "Dường như ngày 30-4 nào trong 38 năm qua, ngày mà một số người gọi là Ngày Quốc Hận thường là cơ hội cho hai lớp người đặc biệt: Các chính trị gia, các nhà hoạt động thích “spotlight” đọc diễn văn hô hào và những cựu quân nhân nào thích mặc quân phục quân đội VNCH có dịp mặc những bộ quân phục đặt may cho vừa kích thước thân thể của người lính già nay đầu tóc đã bạc phơ, thân hình đẫy đà hơn gấp hai, có khi gấp ba thời trai trẻ, đứng nhìn xuống chỉ thấy bụng. Cho nên dù có cắt may khéo léo cách nào đi nữa, bộ quân phục cũng không thể nào làm người mặc nó hùng dũng đầy sức sống như thời còn trai trẻ, bụng phẳng lỳ, tóc cắt ngắn ba phân, da dẻ sạm nắng lồng vào trong bộ quân phục tác chiến đã bạc mầu, dù có giặt ủi hồ thế nào đi chăng nữa nó vẫn không thể làm mất mùi khen khét của thuốc súng mang về từ chiến trận."


    Để chứng minh và trả lời cho cái luận điệu "cộng sản" này của Vũ Ánh, tôi chỉ cần trưng dẫn tấm hình vị Tướng 4 sao Hoa Kỳ William Childs Westmoreland mà tôi có cơ hội tiếp xúc với ông ta lúc ông đã về hưu nhưng ông vẫn mặc quân phục Hoa Kỳ với lon Tướng 4 sao. Thế thì tại sao Vũ Ánh lại câm cái miệng hến lại mà không dám lên tiếng phản đối hay viết bài châm chích ông ta. Quả thật Vũ Ánh chỉ là một thằng "đá cá lăn dưa," thuộc loại "gà què ăn quẩn cối xay," chỉ biết "khôn nhà dại chợ" mà thôi. Vũ Ánh là một thằng hèn mọn đáng khinh tởm, chỉ biết xỉa xói, đâm thọc người đồng chủng tộc, nhưng lại khiếp nhược và hèn hạ đối vơi người ngoại quốc. Tôi có đính kèm tấm hình ở cuối bài để chứng minh.

    ReplyDelete

  3. Suốt mấy mươi năm nay Vũ Ánh cứ ra rả nhục mạ, châm chọc, xỉa xói, bỉ thử cá nhân tôi trên tất cả các đài và báo do hắn cộng tác, nhưng tôi không muốn phản biện vì ngạn ngữ Á Rập có câu "Nếu con chó cắn bạn một cái thì chẳng lẽ bạn cũng phải nằm rạp xuống để cắn lại nó một cái hay sao?," chính vì vậy mà lâu nay tôi im lặng không lên tiếng vì tôi cho đó chỉ là cỏ dại trên đường dẫm lên mà đi, tuy nhiên bây giờ thì tôi hết chịu đựng nỗi được rồi, vì Vũ Ánh "được chân lấn đầu," đã nhục mạ đến cả Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, phỉ báng đến cả những chiến sĩ anh dũng Quân Lực VNCH, chính vì vậy tôi buộc lòng phải lên tiếng. Vũ Ánh thường nêu thắc mắc là tại sao tôi là dân sự và "trốn lính" mà đi lại trân quý lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và kính trọng các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhân dịp này tôi muốn trả lời một lần cho xong là bời vì tôi được lớn lên dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa với lá cờ thân yêu màu Vàng Ba Sọc Đỏ, và tôi nợ một món nợ thật lớn lao đối với những chiến sĩ anh dũng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân hoặc đang còn sống, họ đã hy sinh cao cả để bảo vệ cho người hậu phương như tôi được sống còn cho tới ngày hôm nay. Hễ kẻ nào xúc phạm đến lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu và các chiến sĩ anh dũng Quân Lực Việt Nam Nam Cộng tức xúc phạm đến bản thân tôi, chính vì vậy tôi quyết liệt chống đối và trừng trị bất cứ ai vi phạm vào các trọng tội đó.


    Để kết luận bài viết này, tôi xin kính mời quý vị đọc Bản Lên Tiếng của Tập Thể Cựu Chiến Sĩ VNCH/Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ dưới đây, và tôi đính kèm 2 cái Links các bài viết trước liên hệ đến việc phản đối nhà báo Việt gian Vũ Ánh, để quý vị nào chưa có dịp đọc thì xin bấm vào để đọc.


    Thư Phản Kháng và Bản Lên Tiếng về Vũ Ánh:
    http://www.scribd.com/doc/154962536/Th%C6%B0-Ph%E1%BA%A3n-Khang-va-B%E1%BA%A3n-Len-Ti%E1%BA%BFng-v%E1%BB%81-V%C5%A9-Anh



    Nhà báo Vũ Ánh, ký sinh trùng phá hoại cộng đồng tỵ nạn cộng sản:
    http://www.scribd.com/doc/154965037/Nha-bao-V%C5%A9-Anh-k%C3%BD-sinh-trung-pha-ho%E1%BA%A1i-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng-t%E1%BB%B5-n%E1%BA%A1n-CS





    Nhân dịp này, tôi xin kính gởi lời cảm kích đến các tổ chức đấu tranh và quân nhân VNCH đã mạnh dạn đưa ra các bản lên tiếng và thư phản kháng đối với nhà báo Việt gian Vũ Ánh và các cơ sở truyền thông liên hệ, tôi tin tưởng mạnh mẽ là trong những ngày sắp tới sẽ còn nhiểu bản lên tiếng, thư phản kháng, tuyên cáo, nhận định sẽ được tiếp tục đưa ra.


    Trân trọng,

    ReplyDelete
  4. Nice post thank you Samantha

    ReplyDelete