Tuesday, August 6, 2013

Nỗi buồn quân phục



Nguyn Tài Ngc

Hai tháng trước nhân dịp vợ chồng một anh chị bạn ở Canada đến chơi, chúng tôi và một vài cặp bạn khác hẹn nhau ăn ở một nhà hàng  trên đường Brookhurst, Westminster. Mấy tháng nay bạn bè liên miên nên có tháng hai lần chúng tôi phải lái xe xuống phố Bolsa. Khoảng cách khá xa, 120 km, lái xe mất một giờ 20 phút. Lái xa nhưng đến đây thì có thức ăn Việt Nam. Mỗi lần xuống đây đi dạo xem sinh hoạt của người Việt, lần nào tôi cũng dành ba phút yên lặng cảm thương cho những người Việt sống ở hải ngoại nơi khỉ ho cò gáy không có nhà hàng bán bánh cuốn, bánh bèo, hay thức ăn chơi như bánh rê, bánh cay. Phải ba phút yên lặng vì sống không gần gũi với thức ăn Việt Nam đau đớn vô cùng, một phút  không thể nào cho đủ.
Ăn thì ngon, nhưng vào nhà hàng Việt Nam tôi sợ ba điều: thứ nhất là không sạch,  thứ nhì là khung cảnh u mê ám chướng, mình ăn mà có bàn thờ Thần Tài thổ địa khói hương nghi ngút đuổi tà ma... khách hàng, và thứ ba là có người đến gạ bán bông hoa, hàng hóa. Sợ nhà hàng bẩn thì dễ, tìm nhà hàng nào sạch hãy vào. Tránh tiệm ăn nào có bàn thờ Thần Tài cũng dễ thôi, tẩy chay để cho họ biết ông Địa là tôi, là khách hàng mang tiền đến cho họ chứ chẳng là ông Thần Tài nào khác; thế nhưng tránh người mình đang ăn họ đến quấy rầy thì không thể nào tránh được.
Khi chúng tôi đang ngồi ăn thì một ông Việt Nam, tôi đoán xấp xỉ vào khoảng 65, và một cậu bé nhỏ cũng người Việt, khoảng 12 tuổi, đến quyên tiền. Cậu bé mặc quần áo hướng đạo cầm một hộp giấy trong tay, và ông kia mặc quân phục với huy hiệu của một binh chủng Việt Nam Cộng Hòa. Ông ta xin lỗi quấy rầy chúng tôi đang ăn, và xin chúng tôi cho tiền ủng hộ nạn nhân của cơn bão Sandy. Ông ta nói cho chúng tôi biết tại sao chúng tôi phải cho tiền: mấy chục năm trước nước Mỹ  đã hy sinh cứu người Việt Nam tỵ nạn thì bây giờ mình nên trả ơn.
Quan sát ông này, có ba điểm làm tôi không cho tiền:
1. Trừ những người tôi thực sự quen biết, còn không thì ai xin tiền ca bài ca con cá cho người nghèo này người nghèo nọ, tôi không cho một xu vì tôi không biết số tiền thu sẽ đi đâu, nó có thực sự đến nơi đến chốn hay không, hay vào túi của họ.
2. Tôi không thích người lạ giảng đạo đức cho tôi. Ngày xưa khi còn trẻ có thời vào cuối tuần tôi theo ông Mục Sư đến gõ cửa nhà người lạ để giảng đạo. Tuy rằng "cùng một phe", tôi cảm thấy khó chịu khi gặp một người lạ không quen biết mà ông Mục sư đã bảo là họ có tội, phải ăn năn tiếp nhận Chúa thì mới được cứu rỗi. Tội của tôi cao ngập hơn đống rác ở chợ Bàn Cờ, bảo đảm tày trời còn hơn người khác thì làm sao tôi giảng đạo đức cho người khác được? Ông này đạo đức như thế nào mà giảng cho tôi là người Mỹ ngày xưa cứu mình, bây giờ mình cứu họ?
3. Ông ta mặc quân phục: Theo tôi, ông ta đã mặc quần áo lính VNCH không đúng chỗ.
Dù rằng hiện đang sống trên nước Mỹ gần 40 năm sau 1975, tôi cứ thấy mấy ông Việt Nam, và cả mấy bà, có dịp là mặc quân phục. Nơi nào cũng mặc quân phục. Biểu tình mặc quân phục. Hát hò mặc quân phục. Lễ ở chùa mặc quân phục. Hội họp chẳng ăn thua gì đến quân đội mặc quân phục. Vào chợ  mặc quân phục. Mở đại nhạc hội thu tiền túi mặc quân phục. Lên TV phỏng vấn mặc quân phục. Và bây giờ, lần đầu tiên tôi thấy vào quán ăn quyên tiền trong khi thiên hạ đang ăn cũng mặc quân phục. Đối với riêng tôi, tôi chỉ đồng ý cựu quân nhân VNCH mặc quân phục tham dự một  lễ hội quốc gia, quân đội như lễ Quốc Khánh của Úc hay diễn hành đầu năm vào dịp Tết…, hoặc dự đám tang của một đồng đội để chia sẻ với người đã khuất những giây phút cuối cùng của kỷ niệm xưa kia sống chết bên nhau.
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 38 năm về trước. Mặc dù đã chống trả quyết liệt trong 20 năm, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã bại trận trước quân đội Cộng Sản. Biết bao nhiêu quân nhân đã chạy nạn chỉ với mỗi một bộ quân phục trên người, và cũng như tôi còn giữ được chiếc áo trắng đồng phục thời Trung học, đại đa số quân nhân  giữ lại bộ quân phục đó cho đến bây giờ. Lâu lâu họ mang nó ra nhìn lại để hồi tưởng những trận đánh sống chết, để kiêu hãnh đã là một phần tử trong một quân đội thiện chiến không thua một quốc gia nào, để bực mình dù họ có tinh thần quyết chiến, dù họ có lập trường quốc gia, dù họ sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, cho đồng bào, cho anh em đồng đội, dù họ dũng cảm sẵn sàng tử thủ cho đến giọt máu cuối cùng, nhưng cuối cùng đã thua trận vì một thiểu số người tham nhũng, vì một quyết định rút quân lỗi lầm không cân nhắc, không bảo toàn an ninh cho các tỉnh lỵ, thành phố, dân chúng, và những sư đoàn bị bỏ rơi.
Họ sẽ nhìn bộ quân phục pha lẫn mùi thuốc súng một dạo nào, với hình ảnh của chiến trường Xuân Lộc, Kontum, Pleiku, Quảng Trị... vẫn còn phảng phất sâu đậm trong lớp áo vải kaki dầy cộm để tiếc nuối bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu công trình mà họ, một thành viên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã bỏ ra hai mươi năm bảo tồn tự do cho miền Nam nhưng cuối cùng cái công khó ấy tan biến một sớm một chiều vào ngày 30-4-1975. Không để cho ngọn đèn tranh đấu dìm tắt theo đêm khuya, họ kể lại quãng đời cầm súng cho con cái của họ với hy vọng thể nào rồi cũng có một đứa tiếp tục đốt sáng ngọn đèn không để cho nó dập tắt.
Bộ quân phục họ mặc chạy loạn 1975 tuy rằng bây giờ đã được ủi và treo trong tủ áo, nhưng không cần mặc nó trên người, trong những lúc đi làm, đi chơi, đi dự hội họp với các bạn đồng đội cùng binh chủng ngày xưa trên xứ Mỹ, nó lúc nào cũng hiện hữu trong tấm lòng của họ, ấn sâu trong tâm khảm của họ, khắng khít đi theo với họ. Nó vẫn sáng ngời như năm nào. Nó vẫn làm cho họ kiêu hãnh đã có một thời mặc nó, và nó cũng kiêu hãnh là họ đã làm sáng danh cho mầu áo, cho binh chủng Việt Nam Cộng Hòa thuở nào.
Ngày xưa tôi chưa gia nhập quân đội nên không biết luật lệ Quân Đội VNCH như thế nào, nhưng thiết tưởng luật lệ của Quân Đội VNCH chắc có lẽ cũng tương tự như các quân đội tự do trên thế giới, và có lẽ sát với quân đội  Mỹ hơn vì bắt đầu vào năm 1961, Tổng Thống John Kennedy theo lời yêu cầu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, gửi 1000 cố vấn quân sự Hoa Kỳ sang Việt Nam để huấn luyện 170,000 binh sĩ VNCH.
Đây là luật lệ của Quân Đội  Mỹ, mà nếu đọc cho kỹ, tôi nghĩ chắc có lẽ cũng là nền tảng của các quân đội tự do trên thế giới:
Qui Tắc Quân Đội Hoa Kỳ Army Regulation AR670-1 về mặc quân phục:
Quân nhân còn tại ngũ, kể cả giải ngũ và phòng bị, không được mặc quân phục trong những nơi sau đây:
·       Nơi hội họp có mục đích thương mại hay chính trị.
·       Khi làm việc cho các cơ sở tư nhân trong khi nghỉ phép.
·       Khi đọc diễn văn nơi công cộng, tham dự nơi biểu tình, được phỏng vấn, trừ khi đã dược cấp phép thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
·       Khi tham dự một hội đoàn quá khích.
·       Khi vi phạm thanh danh của quân đội.
·       Ở những nơi luật lệ Quân Đội ghi chép rõ ràng cấm không được tham dự.

Quân nhân vừa được giải ngũ, theo đoạn 125 của National Defense Act (39 Stat. 165, 211) chỉ "được mặc quân phục từ trại lính về nhà.  Một khi đã về nhà thì quân phục phải đem cất vì mặc nó ra đường là vi phạm  luật pháp". Cựu quân nhân có thể mặc quân phục khi tham dự các lễ lộc quân đội, các diễn binh vào ngày quốc lễ, các  đám cưới hoặc đám tang quân đội. Khi mặc quân phục, tóc phải cắt ngắn theo tiêu chuẩn quân đội hiện hành, và không được mang râu quai hàm hay râu cằm. 
Ai không là quân nhân mặc quần áo lính thì phạm Khinh tội theo Section 125, Act of Congress, ban hành vào  ngày 3-Tháng 6-1916. Người nào bị kết tội này sẽ bị phạt $300 dollars hay/và có thể phạt tù tối đa sáu tháng. Trong United States Code 10, Subtitle A, Part II, Chapter 45, Sections 772 cũng liệt kê một trường hợp ngoại lệ mà một người không ở trong quân đội có thể mặc quân phục: khi đóng trong một phim kịch.
Đại đa số cựu quân nhân VNCH, có thể là theo luật lệ quân đội cũ, hay là tự cảm thấy không cần thiết, không muốn phô trương, hoặc không muốn nhắc lại chuyện quá khứ, khi định cư trên nước Mỹ không còn đụng đến bộ quân phục ngoài phạm vi trong nhà. Thế nhưng một thiểu số mặc quần áo quân đội đi phô diễn khắp nơi. Điểm đáng nêu ra là bộ quân phục những người này mặc hiện thời  không phải là bộ quân phục cũ mang theo vào năm 1975. Mọi người mập mạp hơn trước nên ai cũng  ra tiệm may quân phục mới cho vừa kích thước của mình. Do đó, bộ quân phục mới họ mặc ra đường, lên TV phỏng vấn, dự những buổi chào quốc kỳ VNCH, hát ở Đại Nhạc Hội, không còn một giá trị kỷ niệm chân thật, mà chỉ là một hình thức trình bày bên ngoài.
Nếu họ là cựu quân nhân Mỹ, những người bây giờ còn mặc quần áo lính phạm vào hai luật của quân đội Hoa Kỳ sau đây:
- Cựu quân nhân không được mặc quân phục ở nơi hội họp có mục đích thương mại hay chính trị:  Những người mặc quân phục hát ở các chương trình nhạc tư nhân rõ ràng dùng niềm kiêu hãnh chung của lính tráng VNCH, dùng tiếng tăm của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa để làm lợi cho túi tiền hay kiêu hãnh cá nhân riêng. Ngày xưa trước 1975 ca sĩ mặc quân phục lên hát trên TV vì đài truyền hình là của chính quyền VNCH, do Tổng cục Truyền thanh, Truyền hình và Điện ảnh điều hành dưới quyền Bộ Dân vận (không phải của tư nhân) cho phép. Bây giờ ca sĩ lớn tuổi, M.C., và những anh ca sĩ mặt non choẹt trước 1975 chưa bao giờ cầm súng, chưa bao giờ biết đánh nhau là gì tranh đua nhau mặc quân phục. Vài người còn đeo thêm quân hàm! Quân đội mình hùng tráng như thế mà tại sao ngày xưa thua trận thì tôi thật tình không hiểu. Ở đây tôi xin ra ngoài đề một tí là khi xem lại DVD các chương trình nhạc Việt Nam để nghiên cứu, tôi tình cờ xem một chương trình nhạc mà họ còn đem Thượng Tọa, Đại Đức, Giảng sư Phật giáo ra ngồi làm bình phong cho một bài nhạc mở  đầu. Đem Quân Đội VNCH ra làm tiền chưa đủ, họ đem luôn cả tôn giáo ra phô trương với mục đích thương mại. Điểm rất buồn là không một người thấy chướng, tất cả khán giả đi xem vỗ tay!
- Cựu quân nhân không được mặc quân phục khi đọc diễn văn nơi công cộng, tham dự nơi biểu tình, được phỏng vấn, trừ khi đã dược cấp phép thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền: Ai có dịp xuống Santa Ana nếu  thấy một đám người biểu tình, có lẽ sẽ thấy một vài người mặc quân phục Việt Nam.   những buổi hội hè đình đám, thỉnh thoảng có người mặc quần áo lính VNCH lên đọc diễn văn. Xem chương trình truyền hình Việt Nam phát hình ở Mỹ, thỉnh thoảng có mấy ông bà trong quân phục lên phỏng vấn. Cả người mặc quân phục lẫn đài truyền hình không thấy người mặc quân phục 38 năm sau là một sự phô trương hình thức không cần thiết.
Phần đông chúng ta sẽ thấy ngượng nghịu khi người khác gán cho mình điều gì mình không xứng đáng hay mình không phải như vậy. Chẳng hạn như gần đây nhiều người gọi tôi là "nhà văn", hay là “thi sĩ”. Tôi rất đa tạ sự trịnh trọng của họ nhưng tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi không xứng đáng với những chức tước đó. Danh xưng này nên dành cho những người chuyên nghiệp, tôi chỉ viết cho vui khi rảnh rỗi, không sinh sống bằng nghiệp văn bút.   Ấy thế mà tôi thấy bao nhiêu người ngày xưa không bao giờ gia nhập quân ngũ mà giờ ai cũng đua nhau mặc quần áo lính. Người nào sinh năm 1957 nếu học đúng tuổi thì năm 1975 vừa học hết lớp 12, chuẩn bị thi Tú Tài. Vì thế trừ khi tình nguyện nhập ngũ, và ở vài trường hợp đặc biệt, ngày xưa người đi lính phải sinh từ năm 1956 trở về trước. Những người năm nay 56 tuổi thì trước 1975 chưa bị bắt quân dịch. Bao nhiêu người sinh sau 1956, từ M.C. đến ca sĩ chuyên nghiệp, đến ca sĩ tài tử, đến phó thường dân ở Mỹ, ai cũng tranh nhau mặc quân phục hát xướng và trình diễn như là một mốt thời trang thịnh hành. Vào Youtube xem sẽ thấy nhiều video clip của các cô, các bà, các anh ngày xưa không bao giờ đi lính nhưng bây giờ thì mặc quân phục lên hát và múa vũ loạn xạ.
Người dân sự mặc quân phục hay đeo hoặc mang bất cứ thứ gì liên hệ đến quân phục như quân hàm, nón lính, huy hiệu…, được không? Ở Hoa Kỳ đã có chuyện tương tự giải đáp cho câu hỏi này xẩy ra vào năm 2003:
Cô Sarah Smiley, tác giả của quyển sách I'm Just Saying... A Collection of EssaysGoing Overboard: The Misadventures of a Military Wife, viết thường trực cho một tờ báo. Chồng cô ta là Đại-Úy Dustin Smiley của Hải Quân. Năm 2003,  đội vào cái nón Hải Quân của chồng, cô ta chụp hình và dùng bức ảnh kèm theo tên cô ta đăng trên báo khi viết bài.
Sarah Smiley với cái nón Hải Quân của chồng (nguồn: http://www.sarahsmiley.com/)
Bức ảnh này làm nhiều người lên ruột vì họ nghĩ rằng dân sự không thể nào mặc quân phục, dù rằng chỉ là đội một cái nón. Theo họ, khi mặc quân phục, một người dân sự có thể làm xấu hổ cho quân đội. Sarah Smiley  không đồng ý, biện luận là cô ta không làm gì xấu hổ, mà còn làm hãnh diện  cho Hải Quân Hoa Kỳ khi đội nón của chồng. Cô thách thức khán giả cho biết ý kiến là có nên lấy bức ảnh đó ra khỏi báo không, nếu số đông đồng ý thì cô ta sẽ tuân lời. Mọi người rất ngạc nhiên với con số khán giả viết thư biểu quyết: 95% độc giả nói bức ảnh đó không có gì sai lầm. Đi đến đâu trong thành phố cô ta ở, mọi người đều gặp và ủng hộ cô triệt để: "Keep the hat!" - "Giữ cái nón!". Với sự ủng hộ của đại đa số độc giả, cô ta giữ bức ảnh đăng trên báo trong suốt bốn tháng trời. Cho đến khi cô ta nhận được email của một người gửi cho cô điều luật United States Code 10 là cô đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
United States Code 10 là gì? Theo Chương 45, Đoạn 771, Tiểu Mục 10 của United States Code (10USC771), "không một người nào, ngoại trừ một thành viên của Quân Đội Hoa Kỳ, được mặc quân phục hay mang bất cứ một thứ gì liên hệ đến quân phục của Quân Đội Hoa Kỳ, trừ khi luật pháp cho phép."  ("In accordance with chapter 45, section 771, title 10, United States Code (10 USC 771), no person except a member of the U.S. Army may wear the uniform, or a distinctive part of the uniform of the U.S. Army unless otherwise authorized by law"). Lý do của luật này rất dễ hiểu: ngăn chận người khác làm xấu hổ quân đội, và ngăn chận kẻ thù nghịch mặc quân phục trà trộn và làm hại quân đội Hoa Kỳ.  Ngay cả trên phương diện quốc tế, Thỏa hiệp Genève cũng ngăn cấm một người khác xứ mặc quân phục của một quốc gia khác.
Sau mấy tháng trời bình chân chữ vại không chịu nhường nhịn, cô Sarah Smiley rút bức ảnh, không cho đăng  trên báo nữa vì bây giờ khám phá ra nó vi phạm luật lệ quốc gia. Nếu cứ tiếp tục để yên trên báo mà nếu   người thưa thì hậu quả cho cô không phải là một tuần ở Disneyland mà là ba tháng ở Khám Chí Hòa.
Những người Việt Nam ngày xưa không đi lính, bây giờ vào tiệm quần áo may quân phục mặc vì lý do này hay lý do khác nên đọc câu chuyện này.  Tuy rằng đây là luật lệ của  Quân Đội Hoa Kỳ, nó rất đúng và rất có ý nghĩa: quân phục không phải chỉ bỏ tiền ra mua là mặc. Một người phải gia nhập quân đội mới mặc nó được. Tôi nghĩ ra chữ tiếng Anh nhưng không biết làm sao dịch ra tiếng Việt cho ngắn gọn: Military uniform cannot be bought, it has to be earned. Quân phục không phải chỉ mua là được, người mặc  phải đổ mồ hôi nước mắt, phải là thành viên của một tập thể có kỷ luật: Quân Đội.
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 38 năm. Tôi đồng ý cho dù nó có chấm dứt 100 năm nữa và nếu mình vẫn còn sống, mình cũng không thể quên được. Thế nhưng chúng ta  mặc quân phục VNCH nhan nhãn ở khắp nơi để làm gì?
- Để chống chính thể Cộng Sản bằng võ lực? Hoàn toàn không có chuyện đó vì lấy tiền đâu mà mua súng ống? Hơn nữa, chưa kể chính phủ Hoa Kỳ sẽ bắt về tội oa trữ vũ khí bất hợp pháp và âm mưu khủng bố. Ấy là chưa nói đến mấy ông bây giờ tuổi già bụng xệ, làm gì có sức đánh đấm ai?
- Để dậy dỗ con cái cho chúng nó không đời nào quên chính thể VNCH? Điều này có thể làm riêng ở trong nhà, không cần người ngoài biết.
- Để nhớ lại dĩ vãng một thời đã chiến đấu cho quân lực VNCH? Không cần mặc quân phục mới nhớ được. Bằng chứng là bao nhiêu trường học tổ chức reunion hàng năm, có trường nào mà cựu học sinh mặc đồng phục đến dự không? Nhưng họ vẫn nhớ trường của họ như thường.
Nếu chúng ta mặc quân phục vì lý do để “hãnh diện” thời đi lính ngày xưa thì tôi xin hỏi: ngày xưa khi đụng trận, mình có bị thương tích, hoặc có giết kẻ thù nào chưa? Nếu chưa thì có gì mà khoe khoang với thiên hạ? Nghiệp lính của chúng ta cũng như nghiệp giáo, nghiệp buôn, thế thôi. Những nghiệp khác không phô trương thì tại sao mình phô trương?
Còn nếu câu trả lời là có, mình đã đụng trận và giết địch quân thì giết người có gì để khoe khoang?  Ngày xưa nếu tôi phải cầm súng đối đầu với địch quân nơi chiến trường, tôi sẽ không ngần ngại dùng súng đạn kết liễu cuộc đời của đối phương vì tôi bảo vệ tự do cho đồng bào tôi và cho sinh mạng của chính tôi. Nhưng chuyện đó đã xẩy ra 40 năm trước, tôi không có lợi lộc gì nhắc lại chiến tranh vì chiến tranh là tàn phá, chiến tranh là hủy hoại, chiến tranh là lấy đi mạng sống của một người khác, chiến tranh là đau thương, chiến tranh là một kinh nghiệm nên giữ sâu trong lòng để nhắc nhở mình phải cố gắng dùng mọi tài năng giúp quốc gia ngăn ngừa những mưu toan xâm lăng ngoại nhập để con cháu và đồng bào mình được sống mãi trong hòa bình, không phải tham gia vào chiến tranh. Chiến tranh không phải là một điều vinh hạnh. Chiến tranh không có gì để tâng bốc. Chiến tranh là bất đắc dĩ: ở nước Mỹ, báo chí, cơ quan truyền thanh, truyền hình  hay chính phủ chỉ nhắc đến các trận chiến mỗi năm một lần vào ngày kỷ niệm. Chiến tranh không có gì để khoe khoang, dù rằng mình đứng bên chính nghĩa: bức ảnh nổi tiếng của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một người Việt Cộng chứng minh điều này.
Vào tháng 2 năm 1968, trong thời gian căng thẳng của Tết Mậu Thân mà Cộng Sản mở cuộc tổng tấn công chỉ có hai ngày trước đó, một Việt Cộng tên Nguyễn Văn Lém được giải đến trước Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia.
Sau khi nói chuyện với binh lính cấp dưới tìm hiểu nguyên nhân người này bị bắt, Tướng Nguyễn Ngọc Loan rút súng lục bắn chết tên Việt Cộng ngay thái dương. Võ Sửu, người quay phim của NBC và Eddie Adams, nhiếp ảnh gia làm việc cho Associated Press cả hai đều quay phim và chụp hình hành động này.
Ảnh do Eddie Adams chụp
Bức ảnh của Eddie Adams khi đăng báo làm chấn động thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ, và làm Eddie Adams thắng giải Pulitzer về nhiếp ảnh.  Nó làm cho dư luận Hoa Kỳ thay đổi, thiên về chống chiến tranh Việt Nam vì họ thấy tấm hình đó quá ghê rợn (Xin chú thích ở đây là nếu tên Việt Cộng mặc quân phục thì đã được Hiệp Định Genève bảo vệ là tù nhân chiến tranh, Tướng Toan có thể bị truy tố ra tòa tội xử tử tù nhân; nhưng vì anh ta mặc quần áo dân sự nên Tướng Loan được bảo vệ bằng luật pháp quốc tế, cũng như của  VNCH). Nó làm cho nhiều người ghét Tướng Loan, nghĩ rằng ông ta quá bạo tàn. Khi định cư ở Hoa Kỳ, Tướng Loan mở một tiệm bán pizza   Rolling Valley Mall ở Burke, Virginia gần Washington, D.C.  Thế nhưng vào năm 1991 khi danh tánh bị tiết lộ, ông ta phải đóng cửa nhà hàng vì bị nhiều người Mỹ quấy nhiễu, chỉ vì họ còn nhớ ông ta là người trong bức ảnh nổi tiếng bắn tên Việt Cộng (Chỉ ba tháng sau khi bị chụp trong tấm ảnh đó, đụng trận lần thứ hai vào tháng 5-1968 khi Cộng Sản tái tấn công, Tướng Loan bị thương và một chân phải bị cưa. Ông mất ngày 16-07-1998, hưởng thọ 67 tuổi).
Khi chụp bức ảnh đó, Eddie Adams không biết nguyên nhân tại sao Tướng Loan bắn tên Việt Cộng (và cả thế giới khi xem tấm hình này cũng không biết lý do). Thế nhưng sau này Eddie Adams tìm ra nguyên nhân: tên Việt Cộng vừa mới giết một sĩ quan cảnh sát và cả vợ con ông ta làm Tướng Loan nổi giận xử tử hắn ngay tại chỗ.  Sự khám phá này làm Eddie Adams hối hận đã chụp cảnh xử tử khiến cho cả thế giới bôi nhọ Tướng Loan khi xem tấm hình. Ông ta đã chính thức đến gặp Tướng Loan và gia đình để xin lỗi đã chụp bức ảnh nổi tiếng thế giới. Trong chương trình TV "Chuyện chiến tranh với Oliver North", Adams gọi Tướng Loan là "một anh hùng". Khi Tướng Loan chết vào năm 1998, và được hỏi ý kiến, Eddie Adams nói Tướng Loan  "là một người anh hùng. Nước Mỹ nên khóc (cho sự ra đi của Tướng Loan). Tôi thật tình không muốn ông ta chết mà thiên hạ không biết gì về ông ấy".
Chia buồn về sự ra đi của Tướng Loan trên báo TIME, Eddie Adams viết về bức ảnh ông đã chụp:
"Tôi thắng giải Pulitzer năm 1969 nhờ bức ảnh tôi chụp một người này bắn một người kia. Hai người đã chết trong bức ảnh đó: người lãnh viên đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Tướng Loan đã giết tên Việt Cộng. Tôi giết Tướng Loan với máy chụp hình của tôi. Hình chụp là vũ khí lợi hại nhất thế giới. Người ta tin nó, thế nhưng không biết rằng hình ảnh có lúc láo, dù rằng không ai vận dụng nó. Nó chỉ có nửa đúng thôi. Bức ảnh đó không cho người ta biết rằng  "Ông/bà sẽ phản ứng như thế nào nếu ông/bà là Tướng Loan vào cái ngày căng thẳng chiến tranh hôm đó, bắt được một quân địch vừa mới giết một, hai, hay ba người Mỹ?””.
Câu chuyện này cho ta thấy chiến tranh không có gì để khoe khoang, phần đông người khác thấy chiến tranh là tàn ác, dù rằng chúng ta đứng vào bên có chính nghĩa.
Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa hiện nay không còn hiện hữu nên không còn một thẩm quyền nào kiểm soát hành động của cựu quân nhân theo quân luật. Bộ quân phục giống như tranh vẽ Picasso: chỉ có những bức tranh nguyên thủy do Picasso vẽ thì mới đáng giá bạc triệu, còn những tấm vẽ lại chẳng có giá trị gì cả. Tôi có thể thấy kỷ niệm lưu luyến nếu bây giờ một người vẫn mặc bộ quân phục nguyên thủy chạy loạn từ năm 1975, thế nhưng khi một người may một bộ quân phục khác với huy hiệu của binh chủng VNCH cho vừa kích thước của mình, mặc nó phô diễn nơi chốn công cộng thì ý nghĩa đã thay đổi.  Nó đã trở thành hình thức, không còn là nội dung. Nó trở thành phô trương, không còn là kỷ niệm. Nó trở thành khoe khoang tuyên dương cá nhân mặc ai nấy làm, không còn đại diện cho một tập thể có kỷ luật gay gắt, và khi dùng nó trong những buổi hát nhạc để thu tiền túi cho riêng mình, cho ca sĩ, cho M.C., cho người tổ chức chương trình..., thì nó trở thành thương mại cá nhân, không còn là lập trường quốc gia chân chính.
Nguyn Tài Ngc

6 comments:

  1. From: VietHai Tran
    To: Dien Dan Van Hoa Xa Hoi ,
    Cc: CLB Mon Ami , Tinh Bang Huu , Tam Tinh Van Nghe Si ,
    Sent: Monday, March 25, 2013 2:48 PM
    Subject: Re: Email độc giả, "Nỗi buồn quân phục"



    Này ông bạn văn Tài Ngọc,

    Tôi đọc những email của ông bạn văn (ÔBV) viết bài "Nỗi Buồn Quân Phục", có độc giả cho là ÔBV can trường, can đảm, quả cảm,... dám nói về đề tài mà nhiều người e ngại vì tính cách nhậy cảm của nó. Sống ở xứ người được quyền hiến định bảo vệ tự do ăn nói, tự do phát biểu, nên có những sự thể quá đà là tự do mạ lỵ, tự do hăm dọa hành hung, thật thái quá, quá đáng, người trân trọng với ngòi bút hay keyboard của mình nên tôn trọng độc giả là kẻ thứ ba, nên tranh luận, thảo luận, nếu muốn bẻ gẫy lập luận đối phương bằng chữ nghĩa, bằng lời ăn tiếng nói, hơn là cum tay oánh cho bỏ ghét, hay trấn áp vì thua lý lẽ rồi dùng bạo lực hăm dọa bách hại đối phương hơn về ăn nói tranh luận thì như vập vốn không phải sản phẩm của chế độ VNCH, mà là trò gian manh quỷ quyệt của đồng bọn Nguyễn Tấn Dũng ác ôn, quen thú tính "cả vú lấp miệng em.

    Ông bạn văn,
    Bài "Nỗi Buồn Quân Phục", tạo ra chuyện bàn luận "controversial", có bên theo và có bên chống. Theo quan điểm riêng tôi những biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta đều thiêng liêng cả như quốc ca, quốc kỳ, từ ngữ, huy chương, quân phục, huy hiệu đơn vị quân đội,... ấy vốn là những bảo vật thiêng liêng nay trở thành những di vật hay những sản phẩm thuộc về biểu tượng văn hóa của VNCH của chúng ta, của những người tị nạn chối bỏ bọn CSVN, vì thế cho nên chúng ta không thể nhục mạ hay làm xấu đi những bảo vật trên, như tự mua huy chương đeo vào trang hoàng lễ phục cho thêm phần uy nghi, mặc quân phục VNCH mà gắn hình cờ của những QG khác, ví dụ như Mỹ, Canada, Nhật, Pháp, Đức, Úc... hay may thêm huy hiệu của các đảng phái, tôn giáo, đoàn thể cá nhân,... không nên làm như vậy, vì QLVNCH chỉ đứng dưới nước VNCH và cao hơn các tổ chức như đảng phái, tôn giáo, đoàn thể cá nhân,... nhất là không lệ thuộc nước ngoài.



    Nếu là niềm tự hào về kỷ niệm và văn hóa, các cựu chiến binh và hậu duệ của VNCH (tôi không bàn đến luật lệ nghiêm khắc của các nước khác như các nước sở tại chúng ta hiện đang định cư như Mỹ, Canada, Nhật, Pháp, Đức, Úc... ) có thể mặc những bộ quân phục tươm tất trong uy nghi, trang trọng trong những dịp lễ của cộng đồng mình như dịp Quốc Hận 30 tháng 4, ngày Quân Lực 19 tháng 6, ngày Hoàng Sa 19 tháng Giêng, ngày 10 tháng 3 ÂL Quốc Tổ Hùng Vương, ngày mùng 6 tháng 2 ÂL Lễ Hai Bà Trưng chống giặc Tàu, ngày Đại Lễ Húy Nhật Đức Thánh Trần Hưng Đạo 20 tháng 8 ÂL (Thánh Tổ Hải Quân QLVNCH), Ngày Họp Xuân Tết Nguyên Đán,...

    ReplyDelete
  2. QLVNCH được thành lập là để phục vụ và gìn giữ giang san xứ sở, bảo vệ tài sản quốc gia và người dân, một sứ mạng cao cả chánh đáng, một mục tiêu chính thiêng liêng nghĩa sáng ngời, do vậy cho nên hãy khuyến khích tinh thần nối tiếp văn hóa VNCH tại hải ngoại cho đến khi quang phục lại quê hương Việt Nam. Khi ấy Quốc Hội mới sẽ định đoạt những luật lệ mới cho một nước Việt Nam tự do, không còn CS ác ôn, ông bạn văn nhé!
    Tình thân,
    VHLA

    ReplyDelete
    Replies
    1. Việt cộng chỉ có huân chương, huy chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chứ đâu có huân, huy chương kháng chiến chống Ngụy?
      Người yêu nước của Việt cộng như vậy đó. Đừng nói hai bên cũng yêu nước. Đừng ngụy biện theo Pháp, Mỹ là theo tư bản chống CS, thuyết Domino... Hãy nhớ các phong trào yêu nước chống Pháp, chống triều đình tay sai bán 6 tỉnh Nam bộ, bán dân cho đế quốc để đi đánh thuê trong chiến tranh thế giới, bắt dân đi phu các đồn điền, năm 1945 làm chết trên 10% dân VN..., ai phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân, CSVN ra đời năm nào? trước khi có CSVN thì thực dân và các ông tay sai làm gì ngoài việc đàn áp dân VN. Vậy lúc chưa có CSVN, các phong trào yêu nước bị Pháp và triều đình tay sai đàn áp thì đều là CSVN hả hay khác ý thức hệ yêu nước. CS ra đời là để tập hợp các phong trào yêu nước chưa có tổ chức lãnh đạo bị thực dân và tay sai đàn áp?
      VNCH rất hãnh diện được Pháp và Mỹ tặng huân chương Bắc Đẩu bội tinh...?

      Delete
  3. Thua o. Tai Ngoc va qui vi tren DD,

    Tôi đồng ý, cựu quân nhân chỉ nên mặc quân phục khi nào có một cuộc tập hợp chính thức để kỷ niệm đơn vị của mình nhưng với quân phục chỉnh tề, quân phong đúng cách nhu ong Sandi Lockey cung de cap. Trước ngày 30/4/ 75, có cấp bậc nào( chứ không gọi là quân hàm-VC mời gọi như vậy) huy chương nào thì deo-con không nên deo lon tự phong, huy chương tự cấp; ví như vậy vừa xấu hổ với chính mình và với tập thể quân đội!

    Tôi cũng cảm ỏn ông Tài Ngọc đã viết một bài đại để chấn chình vài trường hợp một người cựu quân nhân đã mặc quân phục không đúng cách và dúng chỗ!

    Thưa ông Tài Ngoc, Ông nói đúng, truoc 75, QLVNCH cấm quân nhân không được tham gia các đảng phái CT,chứ đừng nói là mặc quân phục trong các buổi hội của đảng phái, hay các tổ chức chính trị! Nhưng nay, đất nước đã rơi vào tay VC bán nước, hại dân, thì trong các buổi hội của các tổ chức cựu quân nhân nhằm chống Cộng hay lên án đảng phái nao, tổ chức naò đi ngược lại Chính Nghĩa Quốc Gia cùng nguyện vọng của đồng bào QG ty nạn CSVN, thì việc họ mặc quân phục là diều cũng tốt thôi, không có gì phải chê trách- mà trong họ còn biểu lộ một tinh thần bất khuất kháng Cộng trước sau như một.

    Thưa ông Tài Ngọc, quân phuc cựu quân nhân họ sửa lại hay may mới là điều tốt vì mặc như vậy không luộm thuộm mà gợn gàng, dề coi! Ông nới đã 40 năm rồi, kỷ niệm trong lòng cũng là đú; như ông ví với quần áo mặc không đồng phúc trong ngày kỷ niệm của các cựu học sinh các trường học. Tôi thấy sự so sánh naỳ hơi khập khễnh vị quân đội có kỷ luật sắt, gắn bó nhau trong sinh mệnh của cả đơn vị cá nhận người đó, nên bộ quân phục cần được biểu lộ vi mặc quân phục của người cựu chiến binh là do họ muốn bày tỏ tình yêu quân ngũ và lý tưởng bảo vệ chính nghĩa Quốc Gia, mà họ bị bắt buộc bỏ cuộc giang dở vì vận nước. Cấp thượng tầng đã có những tình toàn sai lầm...Hơn nữa người đồng mình Hoa Kỳ đã phản bội VNCH khi đã bắt tay được với TC, qua một cuộc bóng bàn hữu nghị vào năm 71! VNCH đã đơn phương chống trả với tình trạng không viện trợ về kinh tế, tài chánh, chiến cụ, để chống lại Cộng Sản Bác Viet với sự viện trợ tối đa của TC&Lien So.

    Những buổi kỷ niệm của những cựu nữ sinh Trưng Vương, Gia Long, Lê văn Duyệt, họ còn trân trọng mặc lại những màu áo, huy hiệu của trường xưa để lưu luyến, mến nhớ những ngôi trường một thuở nào họ bên nhau cùng ôn lại kỷ niệm vui buồn, thường nhớ của thuở đầu xanh mơ mộng.

    ReplyDelete

  4. Thi huống chỉ, những cựu quân nhân xuất thân từ những quân trường này, quân trường nó, rồi phục vụ ở những đơn vị khắp quân chủng, họ có những kỷ niệm sống chết, gắn bó bên nhau, thì trong những dịp hội hợp họ mặc lại những bộ quân phục, nhắc nhở nhau về tình đồng đội. Họ mặc như vậy còn là dịp để đồng bào TNCSVN, nhớ lại những hình ảnh gần gũi của một thời họ sống dưới chế độ VNCH dù sao cũng tốt đẹp, hạnh phúc hơn nhiều trong thời gian sống với VC sau những năm sau75 bị đối sử hà khắc,mất Tự Do, đói khát.

    Thưa ông Tai Ngoc, riêng về chuyện Thiếu Tướng Nguyễn ngọc Loan, tôi chỉ nghe ông Tướng bị thương, còn chuyện bị cưa chân thì không nghe, không thấy! Chuyện này của Tưởng Loan cũng là chuyện bình thường của một quân nhân khi giáp chiến với quân địch nên thương tích, chết chóc cung là một sự thường tình; chứ không thể như một vài người thù ghét ông Tuong mà bảo là"ác quả, ác baó!".

    Vì Tưởng Loan là một Tướng can trường, ông đã chia sẻ cà mau xuống với đồng đội- không phải là một chuyện ai cũng làm được, với cấp bậc của ông! Tưởng Loan bắn chết tên cán bộ VC ấy vì tên này đã hạ sát tất cả gia đình người bạn ông ! Việc trả thù cho đồng đội như tường Loan đã làm, thì rơi vào trường hợp của quân nhân khác cũng thế thôi! Chính một tên phóng viên người Mỹ chụp được tấm hình này, loan truyền trên báo chỉ đã làm tổn hại đến thành danh của ông vì người xem hinh đã không rõ ngọn ngành và không đặt mình vào trường hợp ấy của ông.

    Sau này, tên phóng viên đó đã hối hận và xin lỗi ông!

    Vâng, bộ quân phục, người cựu quân nhân mặc vào không được oai vệ, hùng dũng, đẹp đẻ như hồi son trẻ, nhưng nó nói lên một quá khứ oai hùng mà người chiến binh đã phụng sự Đất Nước, Quân Đội với gian khổ, hy sinh máu xương, thân xác, tù đày! Họ hãnh diện với bộ quân phực và được sự trân trọng nếu cá nhân đó không có làm một điều gì ô dành cho Quân đội hay phương hại cho chính nghĩa Quốc Gia, Dân Tộc!

    Một quân nhân QLVNCH

    ReplyDelete
  5. Mấy bữa trước có anh em nào đã post bài này lên các diễn đàn rồi khiến "chú em" tác giả Nguyễn Tài Ngọc nào đó đã bị Võ Lâm Anh Kiệt khắp chốn giang hồ "bề" tơi tả, "chú em" liền nín re đến bữa nay luôn. Hahaha...!

    KingBee219


    ReplyDelete